Đi du lịch hay phượt gì tại Đà Lạt thì chắc chắn bạn không thể nào bỏ qua một địa điểm du lịch, nơi tôn nghiêm và mong cầu phước an lành – đó chính là Chùa Linh Phước. Hiện tại có rất nhiều bạn trẻ mỗi khi đi lên Đà Lạt là nhắc tới nơi đây, vậy hãy cùng meobalo xem chùa Linh Phước Đà Lạt có gì hot tới vậy nhé:
Danh mục chính
Lịch sử Chùa Linh Phước Đà Lạt
Ngôi chùa được cắt ghép bằng những mảnh sành sứ đầy màu sắc và có những hoạ tiết khác nhau tạo nên những toà tháp cao lớn và hùng vĩ, chùa ve chai (chùa Linh Phước) luôn là điểm dừng chân tham quan khá thú vị cho khách du lịch.
Toạ lạc tại phường 11, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cách chợ khoảng 6 km. Ngôi chùa này được khởi công xây dựng vào năm 1949 do các Phật tử địa phương đóng góp công lao. Nằm ngay trên đường đi đến Trại Mát.
3 năm sau đó, công trình này cũng được hoàn thành nhưng đến năm 1990, thầy trụ trì đời thứ 5 kêu gọi quyên góp để tu sửa lại ngôi chùa đồng thời cũng đổi mới diện mạo. Do vẻ bề ngoài ấn tượng nên hằng năm đã thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch quy tụ về nơi đây.
Một tên gọi địa phương mà người đời đặt cho nó, đó là chùa ve chai bởi được thiết kế theo lối kiến trúc đặc biệt với những bức tường được khảm bằng những mảnh chén, bát vỡ nhiều màu sắc rực rỡ. Với nhiều lời đồn về ngôi chùa nên du khách trong và ngoài nước đến ngày càng đông.
Kiến trúc chùa Linh Phước
Điều mà giới trẻ hiện nay quan tâm rất nhiều đó là ở chỗ đó có góc nào để sống ảo hay không? Mèo xin trả lời rằng là chùa Linh Phước là cả một thiên đường sống ảo đấy. Có hàng trăm bức tượng đặt ở nhiều vị trí khác nhau, được chế tác kỳ công và làm hoàn toàn bằng sáp, được điêu khắc theo hình dáng của các nhà sư.
Chánh điện của chùa ve chai cao 33m, rộng 12m và cũng có chút cầu kỳ. Hai hàng cột rồng dọc hai bên chính điện, những bức phù điêu nổi bật giới thiệu lịch sử của Phật Thích Ca, kinh A di đà…tất cả được khảm công phu bằng những mảnh sành sứ, mảnh chai.
Sở hữu tháp 7 tầng cao 36m được xem là ngọn tháp chuông cao nhất hiện nay tại Việt Nam. Tầng 2 sở hữu ngay chiếc chuông cao 4.3m, nặng 8.5 tấn, đường kính miệng chuông 2.33m. Chiếc chuông được đúc kỳ công dưới đôi bàn tay nghệ nhân có truyền thống đúc chuông 3 đời đến từ Cố đô Huế. Sau 1 năm thì chiếc chuông cũng được hoàn thành và diễn ra khá suôn sẻ. Trên chiếc chuông được chạm khắc những hình ảnh tượng Phật thích ca nghìn mắt nghìn tay vô cùng công phu.
Phía sau tháp 7 tầng là Long Hoa Viên với thiết kế một con rồng dài 49m uốn lượn và quấn quanh tượng Phật Di Lặc. Con rồng này được cấu thành từ 12.000 mảnh chai bia và bên dưới là hồ nước hòn giả sơn
→ Công trình tượng Bồ Tát Quan Âm – nơi tôn nghiêm đáng tự hào
Tượng Bồ tát Quan Thế Âm nằm bên tay trái tháp 7 tầng, có chiều cao là 17m nặng 3 tấn đặt ngay chánh điện của chùa được làm bằng bê tông cốt thép 12m và cao nhất Việt Nam. Ngoài ra còn có những công trình khách, chánh điện của nhà chùa như 324 tượng Quan Thế Âm, mỗi bức tượng cao khoảng 3.7m. Tượng bồ đề Đạt Ma được làm bằng gỗ với kích thước lớn nhất Việt Nam và được đặt trước sân của ngôi chùa. Khi du khách đến tham quan thì sẽ thấy bức tượng này đầu tiên.
Khi du khách đến chánh điện thì rẽ trái sẽ thấy được công trình tượng Bồ Tát Quan Thế Âm được hoàn thành trong 36 ngày dưới những đôi bàn tay tài hoa, tỉ mỉ của hàng trăm Phật tử địa phương được kết bằng 650.000 bông hoa bất tử tương đương với 1630 kg, một con số khổng lồ khó mà tưởng tượng được đồng thời là nét đặc trưng của Đà Lạt. Với độ cao 18m là một kỷ lục của Châu Á và được xác lập vào năm 2010.
Một nơi không thể bỏ qua đó là chánh điện, một công trình đồ sộ với chiều dài 33m và rộng 22m, cao 27m được chạm trổ rất bắt mắt. Nội điện thờ Phật Thích Ca cao tới 4.9m làm bằng bê tông cốt thép và mạ vàng, sau lưng là bức phù điêu gốc cây bồ đề.
→ Khám phá 18 tầng địa ngục
Ngoài ra, chùa còn làm khu vực tái hiện lại quan cảnh 18 tầng địa ngục, công trình mang ý nghĩa tái hiện quả báo của một kiếp người, nghiệp nhân quả và đạo đức, hiếu thuận trong cuộc sống. Nhân vật chính của 18 tầng địa ngục này là Mục Liên. Với sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên rất hiếu thảo và vượt qua ải 18 tầng địa ngục để giải cứu mẹ mình và được lưu truyền đến ngày hôm nay.
Dựng lại cảnh Diêm Vương xử án phạm nhân và định ra các hình phạt đúng với những gì con người đã vi phạm khi còn sống ở trần gian. 18 tầng địa ngục ở chùa Linh Phước sẽ làm bạn ngộ ra rằng phải sống lương thiện, cứu nhân độ thế và báo hiếu cho cha mẹ có công sinh thành và dưỡng dục chúng ta.
Cách di chuyển đến như thế nào?
Có 2 cách để bạn đến chùa này đó là bạn đi bằng xe máy hoặc xe ô tô đều được, sân rộng nên dễ dàng đậu xe. Phương án 2 cũng khá thú vị, bạn có thể đến bằng xe lửa, xuất phát từ nhà ga Đà Lạt. Bạn chỉ cần mua vé tàu đến chùa Linh Phước hoặc Trại Mát và ngược lại, chỉ duy nhất một tuyến đường này vẫn còn hoạt động.
Giờ mở cửa thì 24/24, xuyên suốt trong ngày đến đón những Phật tử phương xa ghé thăm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhưng đa phần thì các đoàn thường đến vào ban ngày. Và không bán bất cứ loại vé tham quan, hoàn toàn miễn phí nhé
Hi vọng sau bài viết chia sẻ về điểm du lịch Chùa Linh Phước tại Đà Lạt này của meobalo sẽ giúp bạn cảm thấy hãnh diện về điểm du lịch Việt Nam nhé. Còn chần chừ gì nữa? Xách ba lô lên và đi ngay thôi nào, cám ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Tác giả: meobalo